Di tích Long Biên

  • Đình Tình Quang ở phường Giang Biên, Long Biên Hà Nội thờ tướng nhà Đinh Đinh Điền và 2 vị hoàng đế họ Lý là Lý Nam ĐếLý Chiêu Hoàng. Đình Tình Quang đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng di tích lịch sử kiến trúc, nghệ thuật ngày 11/5/1993.
  • Đình Mai Phúc ở phường Phúc Đồng, Long Biên Hà Nội thờ hai anh em Xuân Vinh và Luận Nương đã tập hợp trai tráng trong làng thành đội dân binh, đánh bại các sứ quân Nguyễn Khoan, Lã Đường, Kiều Công Hãn.[2]
  • Đình Cầu Bây Thạch Bàn, Long Biên[3] Hà Nội thờ vị tướng Lã Lang Đường có công phù tá cho Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân. Em trai của vị tướng Lã Lang Đường là Lã Lang Đế được thờ ở làng Ngô bên cạnh làng Cầu Bây.
  • Đình làng Ngô Thạch Bàn, Long Biên Hà Nội thờ tướng nhà Đinh Lã Lang Đế có công phù tá cho Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân và đánh quân Ngô.. Anh trai của vị tướng Lã Lang Đế là Lã Lang Đường được thờ ở làng Cầu Bây bên cạnh làng Ngô.
  • Đình Thống Nhất phường Cự Khối, Long Biên[3] Hà Nội Đình Hạ Trại thôn Thống Nhất thờ Lã Lang Đế phù tá cho Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân.
  • Đình Thổ Khối ở phường Cự Khối, Long Biên Hà Nội Đình Thổ Khối có từ trước năm 1730, bên trong thờ 6 vị thành hoàng trong đó có 3 vị là Bạch Đa đại vương, Dị Mệ đại vương và Đào thành hoàng có công giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân. Hiện nay, đình Thổ Khối thuộc tổ 9, phường Cự Khối, quận Long Biên, Hà Nội.
  • Đình Lý Thường Kiệt ở phường Ngọc Thuỵ, Quận Long Biên, Hà Nội; thờ Thái uý Việt Quốc Công Lý Thường Kiệt.
  • Đình Thanh Am ở Phường Thượng Thanh, Quận Long Biên, Hà Nội; thờ vợ chồng Đào Kỳ - Phương Dung, 2 vị tướng kiệt xuất trong cuộc Khởi nghĩa Hai Bà Trưng và Trình Quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm, một doanh nhân văn hoá thế kỷ XVI, làm thành hoàng làng. Ngày 09/01/1990, Đình Thanh Am được Bộ Văn Hoá thông tin công nhận đi tích lịch sử.
  • Đình Cự Đồng còn có tên là Đình Đông Lâm, thuộc thôn Cự Đồng, Thạch Bàn, huyện Gia Lâm, nay là tổ 1, phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội. Cự Đồng thời nhà Nguyễn thuộc xã Cự Linh, tổng Cự Linh. Nơi đây là địa bàn hoạt động của của nghĩa quân Hai Bà Trưng dẹp giặc Tô Định. Đình Cự Đồng thờ danh tướng Thành Công Liệt Đại Vương; ông là người có công giúp Hai Bà Trưng dẹp giặc Tô Định được phong cho thực ấp địa bàn huyện Gia Lâm.
  • Đình Gia Thụy có tên Nôm là Chợ Da, dưới thời Nguyễn thuộc xã Gia Thụy, tổng Gia Thụy, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, tỉnh Bắc Ninh. Đình Gia Thụy lưu giữ cuốn gia Thần phả do Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính soạn năm Hồng Phúc nguyên niên 1573. Thở thành hoàng làng gồm anh em Trung Thành, Đông Lương, Thông Vĩnh, và em gái Quý Nương, vốn là bốn tướng của An Dương Vương Thục Phán.
  • Đình Hội Xá nằm bên bờ Nam sông Đuống thuộc Tổ 1, phường Phúc Lợi, quận Long Biên, Hà Nội. Đình Hội Xá thờ Thánh Gióng cùng tướng Hoàng Hổ. Hoàng Hổ là một lãnh binh trong đạo quân của làng Hội Xá đã theo Phù Đổng đánh giặc Ân và tướng quân Nguyễn Nộn ở cuối thời Nhà Lý. Hàng năm từ xa xưa cứ mùng 8 tháng 4 âm lịch, nhân dân 5 thôn: Phù Đổng, Phù Dực, Hội Xá, Đổng Viên, Đổng Xuyên (Gióng Mốt) lại cùng nhau long trọng tổ chức ngày hội tưởng niệm vị anh hùng làng Gióng.
  • Đình Kim Quan là tên gọi theo địa danh thôn Kim Quan, nay thuộc tổ 4, phường Việt Hưng, quận Long Biên, thành phố Hà Nội. Kim Quan là một làng cổ, ở ngoài bãi ven sông Hồng. Trước kia, dan Kim Quan vốn ở Bạch Hổ, tức thông Giang Cao, xã Bát Tràng ngày nay. Thời Lê, có Phò mã Lê Đạt Chiêu đã tay vua xin đi đi dân đến vùng đất mới, thành lập làng Kim Quan. Theo hồi ức của nhân dân địa phương, đình Kim Quan được xây dựng từ rất sớm để thờ các vị thần bảo hộ cho cuộc sống của dân làng là Linh Lang Đại vương và một số nhân thần có công thành lập làng và tổ chức sản xuất, đó là vị quan tước Lân Hoài Bá Lê Đạt Chiêu và 2 vị nữ Thần là Thiên Tiên Đào Hoa phu nhân và Hà Tiên Phương Dung phu nhân. Về 2 vị nữ thần được thờ ở đình hiện nay, theo truyền thuyết dân gian và sắc phong, được biết: Khi đất nước có giặc ngoại xâm, bằng trí thông minh và tài đàn hát của mình, các bà đã tìm đến trại giặc ca hát làm lung lay ý chí của giặc và dụ hàng, giúp sức cho đại quân ta thắng giặc. Hai bà là Thiên Tiên Đào Hoa phu nhân và Hà Tiên Phương Dung phu nhân là Tổ sư của nghệ thuật ca trù Việt Nam.
  • Đình Lâm Du nằm ở trung tâm xã Bồ Đề, nay ở tổ 24, phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội. Đình được gọi theo tên làng Lâm Du, một làng quê cổ kính ven sông Hồng với hệ thống di tích tôn giáo tín ngưỡng khá hoàn chỉnh. Chùa Lâm Du bên hữu, đền Tam Phủ bên tả. Theo truyền thuyết dân gian của địa phương cho biết, đình Lâm Du thờ Thần Linh Lang tức Uy Đô, con trai vua Trần Thánh Tông (1258 – 1378) và công chúa Liễu Hạnh. Linh Lang Đại vương là vị Thần được thờ nhiều trong tín ngưỡng dân gian truyền thống của người Việt ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Sự tích của Thần có thể tóm tắt như sau: Ngài là con vua Lý Thánh Tông và bà Dương Phương Nương.
  • Đình Lệ Mật nằm trong một cụm di tích quốc gia bao gồm đình và chùa làng Lệ Mật, tại phố Việt Hưng, phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội. Tương truyền, vua Lý Thái Tông (1028 – 1054) có một cô con gái cưng thường bơi thuyền du ngoạn trên dòng Thiên Đức (sông Đuống). Một hôm, công chúa bị đắm thuyền và mất tích, nhiều người đã lặn xuống nhưng không tìm thấy. Cuối cùng, một người xuất thân bắt rắn ở Lệ Mật tên là Hoàng Đức Trung mới đưa được xác công chúa lên bờ. Vua ban thưởng gấm vóc, vàng bạc nhưng ông từ chối tất cả, chỉ xin cho các đồng hương sang khai khẩn vùng đất hoang phía Đông-Nam kinh thành Thăng Long. Làng Lệ Mật vốn có hai ngôi đình: đình Thượng (nay không còn) thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và đình Hạ thờ ông Hoàng Đức Trung. Hàng năm, dân chúng mở hội đình Hạ và tổ chức nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật về rắn.
  • Đình Ngọc Lâm năm về phía bắc Thủ đô, cách trung tâm Hà Nội 3km. Đình còn có tên gọi nôm là đình Cầu Cá. Đình quay hướng tây, tọa lạc trên một khu đất cao, rộng, thoáng mát, liền kề với chùa Ngọc Lâm. Trước đây, khu đất này thuộc thôn Ngọc Lâm, một trong bốn thôn của xã Bồ Đề, huyện Gia Lâm. Từ ngày 6 tháng 11 năm 2003, đình thuộc tổ 17, phường Ngọc Lâm của quận Long Biên, nội thành Hà Nội. Đình Ngọc Lâm thờ Linh Lang Đại vương, vốn là Hoàng tử con vua Lý Thánh Tông, có công đánh giặc giúp nước. Hiện nay, tại đình còn lưu giữ được một số hiện vật như: 1 cỗ ngai thờ sơn son thếp vàng; 3 hộp quả; 1 chén đựng nước; 1 mâm bồng sơn son thếp vàng; 1 bức hoành phi ghi 4 chữ Hán cổ “Thánh cung vạn tuế”; 1 pho tượng Linh Lang Đại vương ngồi trong khám thờ. Các hiện vật góp phần làm tăng thêm giá trị của ngôi đình.
  • Đình Nha nằm trong một khuôn viên bằng phẳng bên sườn đê sông Hồng, cách trung tâm Hà Nội gần 10km. Thời nhà Lê, khu vực này thuộc thôn Nha, xã Cổ Linh, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc; đến thời Nguyễn là tỉnh Bắc Ninh. Từ năm 1961 đến năm 2003 thuộc xã Long Biên, huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội. Hiện nay, di tích thuộc tổ 18, phường Long Biên, quận Long Biên, thành phố Hà Nội. Đình Nha thờ vị Phúc Thần mà truyền thuyết cho rằng đã có công với nước, đó là Linh Lang Đại Vương. Linh Lang là một nhân vật phổ biến trong tín ngưỡng truyền thống của người Việt, đặc biệt quan trọng với người dân Thăng Long, vì đây chính là vị Thần trấn giữ phía Tây kinh thành Thăng Long. Hiện nay đình Nha vẫn còn lưu giữ được bản sao cuốn Thần Phả do quan Hàn lâm các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn vào ngày 10 tháng Giêng năm Hồng Phúc Nguyên niên (1572). Theo Thần phả, Linh Lang Đại vương vốn là con của Long Quân, vâng mệnh trời thác xuống làm hoàng tử nhà Lý, giúp vua chống giặc ngoại xâm. Đánh tan giặc rồi, được nhà vua hậu thưởng cho phép nhân dân xa gần phụng thờ. Đình Nha là một trong hơn 200 nơi quanh thành Thăng Long được triều đình ban chiếu cho xây đền miếu để thờ phụng. Hiện nay, tuy chưa là một điểm tham quan du lịch, nhưng nằm trên tuyến đường với làng cổ Bát Tràng, đình Nha sẽ là một di tích thu hút sự quan tâm của khách thập phương xa gần. Với những giá trị tiêu biểu trên, đình Nha đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật.
  • Đình Nông Vụ Đông hiện nay thuộc thôn Nông Vụ Đông, tổ 15, phường Phúc Lợi, quận Long Biên, Hà Nội. Trước kia làng có tên nôm là Vo Đông. Làng Vo Đông trước đây có nghề làm quạt giấy, ngày nay một số gia đình vẫn giữ được nghề làm quạt. Làng Nông Vụ Đông nằm ở bờ nam sông Đuống, trong địa bàn của cư dân Việt cổ, đối diện với bờ bắc là Phù Đổng, quê hương của người anh hùng Thánh Gióng. Đình Nông Vụ Đông thờ 3 vị nhân Thần có công với nước, với dân. Đó là các vị Thần có liên quan trực tiếp tới cuộc sống và quá trình đánh giặc của người dân trên mảnh đất Nông Vụ và đó là 3 anh em nhà họ Trịnh là Trịnh Chính, Trịnh Trí và người em gái Quốc Nương. Hàng năm, dân làng Vo Đông mở hội vào ngày 12 tháng 2 âm lịch là ngày sinh của các vị Thần.
  • Đình Phú Viên thuộc tổ 2, phường Bồ Đề, quận Long Biên, nằm trong khu vực di tích đền Chầu, bên cạnh chùa Bồ Đề nổi tiếng. Đình Phú Viên thờ đức Linh Lang là con của Hoàng Hậu chánh cung Minh Đức và vua Trần Thánh Tông. Hiện nay ở đình Phú Viên còn lưu giữ được nhiều di vật có giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật, trong đó phải kể đến 7 đạo sắc phong của các triều đại cho đức Linh Lang. Ngoài ra còn có một hệ thống Long ngai, bài vị, mũ thờ, bát bửu, nhang án, cửa võng... được chạm khắc tinh xảo mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn cùng nhiều hoành phi, câu đối… có nội dung ca ngợi công tích của vị Thành hoàng làng.
  • Đình Phúc Xá còn có tên gọi khác là Đền Cơ Xá là tên gọi trước đây của di tích theo địa danh làng Cơ Xá ở bên bờ nam sông Hồng. Hiện nay di tích có tên là đình Phúc Xá hay còn gọi là đình Bắc Biên, thuộc tổ dân phố số 8, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội. Giống như mọi ngôi đình làng của các địa phương trong vùng, đình Phúc Xá có khởi nguồn tạo dựng từ rất sớm với 2 chức năng chính là: nơi phụng thờ thành hoàng làng, các vị phúc Thần có công với dân, với nước và nơi tổ chức lễ hội. Giá trị của đình Phúc Xá còn được thể hiện ở những di vật. Trước hết phải kể đến 2 quả chuông lớn, trong đó một chuông “An Xá tự chung” đúc năm Phúc Thát thứ 5 (1647) có Bài minh ghi rõ Lỹ Thường Kiệt quê ở làng An Xá; một chuông “Am Xá tự chung” đúc năm Chính Hòa thứ 11 (1690); 2 tấm bia dựng thời Nguyễn ghi việc trùng tu di tích; 8 đôi câu đối ca ngợi công tích của Lý Thường Kiệt; 7 đạo sắc phong niên đại thời Nguyễn. Đây là những tác phẩm nghệ thuật được trang trí bằng nghệ thuật đục chạm trên đá rất công phu, tinh xảo. Nhưng đặc biệt hơn cả là những giá trị phi vật thể nằm ở các bức đại tự và hoành phi, câu đối. Nội dung của những chữ được thể hiện trên các di vật này đều tập trung vào ca ngợi cảnh đẹp, đất thiêng, nơi ngôi đình tọa lạc, công trạng, đức độ của các vị Thần được thờ. Các bức đại tự khẳng định giá trị của đình như: “Thánh cung vạn tuế” (Đức Thánh muôn năm). Còn các câu đối lại mang ý nghĩa khác nhằm ca ngợi công đức của thần.
  • Đình Quán Tình là tên gọi theo địa danh hành chính thuộc thôn Quán Tình, xã Giang Biên. Nay đình thuộc tổ 5, phường Giang Biên, quận Long Biên, Hà Nội. Ngôi đình nằm ngay sát chân đê, tả ngạn sông Đuống. Đình thờ vị Thần Nguyễn Nộn – một danh tướng dưới thời nhà Lý. Sau khi nhà Trần thay nhà Lý, ông quy phục triều Trần, giúp nhà Trần dẹp yên loạn lạc trong buổi đầu dựng nghiệp. Một trong những danh tướng được ông thu phục phải kể đến là Đông hải Đại vương Đoàn Thượng. Hiện nay, ngoài 2 tấm bia đá cổ được tạc năm Gia Long thứ 10 (1811), đình Quán Tình còn lưu giữ được một số hoành phi, câu đối ca ngợi công lao của vị Thần hàng năm vào ngày 8 tháng 2 âm lịch là ngày mở lễ hội đình Quán Tình.
  • Đình Thạch Cầu nằm trên địa bàn thôn Thạch Cầu, xã Thạch Bàn, huyện Gia Lâm. Hiện nay, đình Thạch Cầu thuộc tổ 1, phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội. Theo truyền thuyết ở địa phương thì đình Thạch Cầu thờ Lã Lang Đường – một vị tướng tài ba đã giúp Ngô Quyền đánh dẹp giặc ngoại xâm. Sau khi ông mất, nhân dân thôn Thạch Cầu vô cùng thương tiếc và lập đình thờ ông làm Thành hoàng làng. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đình Thạch Cầu là căn cứ của du kích, với nhiều công trạng chặn đánh địch ở đường 5, cắt đứt giao thông giữa sân bay Gia Lâm xuống Hải Phòng.
  • Chùa Ái Mộ có tên chữ là "Thiên Định Tự". Chùa Ái Mộ nằm phía trong đê sông Hồng, giáp cầu Long Biên, phía Bắc giáp xã Ngọc Thụy. Thời Nguyễn thuộc địa phận các xã Ái Mộ, Ngọc Lâm, Thượng Cát, tổng Gia Thụy, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, đổi là số 38, thuộc quận 8, rồi phố của xã Ái Quốc (tức xã Hồng Tiến, sau đổi là xã Bồ Đề), thành phố Hà Nội. Nay chùa thuộc tổ 5, phường Ngọc Lâm, quận Long Biên. Di tích nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 3km về phía Đông – Bắc. Từ trung tâm Thủ đô qua cầu Chương Dương, rẽ trái, đi tiếp khoảng 150m theo đường đê sông Hồng là tới di tích. Ái Mộ là tên gọi của di tích theo địa danh của làng xưa kia. Chùa được dựng trên mảnh đất có bề dày lịch sử lâu đời gắn liền với Thăng Long địa linh nhân kiệt. Chùa Ái Mộ là một di tích được khởi dựng từ rất sớm, để thờ Phật. Căn cứ vào những tấm bia hiện còn lưu giữ tại di tích, chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu sửa chữa, được ghi lại trên các tấm bia: “Thiên Định tự bi ký” năm Cảnh Hưng thứ 33 (1772), đã tu sửa lại toàn bộ các hạng mục của chùa; năm Cảnh Hưng thứ 44 (1783) trùng tu tòa Thượng Điện; tháng 4 năm Quý Mùi (1823) dựng lại hành lang phía Tây; năm Minh Mệnh thứ 5 (1824) dựng Gác Chuông, Tam quan và dãy hành lang bên phải; năm Thành Thái thứ 6 (1894) tiếp tục sửa lại chùa và tô lại tượng. Ngoài ra, di tích còn có những đợt tu sửa nhỏ vào những năm: Gia Long thứ 8 (1809), Minh Mệnh thứ 21 (1840), Tự Đức thứ 11 (1858), Tự Đức thứ 21 (1868), Bảo Đại thứ 12 (1937). Nhưng do nhiều biến động của tự nhiên và xã hội, nên gốc cũ của chùa không còn được nguyên vẹn. Kiến trúc chùa hiện nay mang đậm dấu ấn của lần trùng tu vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Chùa Ái Mộ cũng có đầy đủ các lớp tượng như: Tam Thế, A Di Đà Tam tôn (Quan Thế Âm Bồ Tát – A Di Đà – Đại Thế Chí Bồ Tát), Quan Âm Chuẩn Đề, Di Lặc, Ngọc Hoàng, hai bên là Nam Tào và Bắc Đẩu, tòa Cửu Long Thích Ca sơ sinh được tạc bằng đồng. Mỗi pho tượng đều toát lên vẻ đẹp tao nhã, thánh thiện nhưng cũng rất uy nghiêm trong nghệ thuật tạo tác, thể hiện sự khéo léo, tinh tế của các nghệ nhân xưa.
  • Chùa Bắc Biên còn gọi chùa An Xá, tên chữ Phúc Xá Tự, có ít nhất từ thế kỷ 17, là ngôi chùa của làng Bắc Biên, nằm trong ngõ 293 Ngọc Thụy, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội. Chùa Bắc Biên gốc là ngôi chùa của làng An Xá vốn tọa lạc trong thành Đại La trước khi Lý Thái Tổ từ Hoa Lư ra đây lập kinh đô Thăng Long. Năm 1010 dân làng dời nhà cửa và cả chùa ra bãi giữa sông Hồng để nhường chỗ cho vua xây cung điện. Năm 1893 ngôi chùa lại chuyển sang tả ngạn do sông Hồng đổi dòng. Nhưng bờ sông vẫn cứ bị xói lở nên đến năm 1920 chùa phải dời sâu vào chân đê. Do vị trí địa lý biến đổi nên tên chùa cũng thay đổi từ An Xá sang Cơ Xá rồi Phúc Xá và nay gọi theo tên làng ngụ cư là Bắc Biên. Ngoài việc thờ Phật, chùa Bắc Biên còn thờ thái úy triều Lý là Lý Thường Kiệt, vị anh hùng dân tộc quê tại làng An Xá. Năm 1976, chính quyền phải di toàn bộ số dân còn lại ở bãi Phúc Xá về các xã bờ bắc sông Hồng và tượng Lý Thường Kiệt được rước vào thờ tại đình Phúc Xá. Trong tam bảo, trên cùng là bộ tượng Tam thế Phật. Hàng thứ hai thấp hơn có tượng A Di Đà, bên trái là Quán Thế Âm, bên phải là Đại Thế Chí. Tiếp dưới là tượng Di Lặc ở giữa Văn Thù và Phổ Hiền. Bàn phía trước có tượng Ngọc Hoàng, hai bên là Nam Tào, Bắc Đẩu. Đầu hương án đặt tượng Thích Ca sơ sinh đứng trong toà Cửu Long. Hai bên thiêu hương lại có tượng công chúa Từ Hoa dạy nghề trồng dâu nuôi tằm cho làng và tượng Quan Âm tống tử (Thị Kính). Giáp 2 đầu hồi tiền đường còn bày ban thờ đức Thánh hiền và ban thờ Lý Thường Kiệt. Ngày 21-01-1989, chùa Bắc Biên đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Ở đây hiện lưu giữ một chuông đồng lớn đúc năm Canh Ngọ niên hiệu Chính Hòa thứ 11 (1690). Thân chuông cao 0,95m; đường kính miệng 0,65m, quai cao 0,3m tạo tác thành 2 hình rồng đấu lưng vào nhau. Bài minh “An Xá tự chung” dài hơn 4500 chữ cho biết lai lịch của làng và chùa. Ngoài ra còn có 3 tấm bia đá, 2 quả chuông nhỏ đúc đời Bảo Đại, 3 bát hương đồng và 36 pho tượng Phật giáo.
  • Chùa Bắc Cầu 2 có tên chữ là "Long Đọi tự" (chùa Long Đọi) ở tại tổ 36, cụm Bắc Cầu 2, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội. Sở dĩ gọi là Bắc Cầu vì thôn ở về phía bắc cầu Long Biên. Bắc Cầu xưa gồm ba thôn Hạ,Trung và Thượng. Vùng đất này thờ những vị Thần, tương truyền có từ thời các vua Hùng. Trước năm 1945, thôn Bắc Cầu 2 có tên gọi là thôn Bắc Cầu Hạ thuộc xã Đông Ngàn, tổng Hội Phụ, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Sau năm 1945, thôn Bắc Cầu 2 thuộc quận 8, khu Ngọc Thụy, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh. Năm 1961, thôn Bắc Cầu hợp với các thôn Gia Thượng, Bắc Biên, Yên Tân, Gia Quất, Trung Hà thành xã Ngọc Thụy huyện Gia Lâm, Hà Nội. Từ cuối năm 2003, một phần đất Gia Lâm chuyển thành quận Long Biên. Ngọc Thụy là một trong 14 phường thuộc quận Long Biên hiện nay. Hiện nay, ở di tích không còn lưu giữ được nguồn tư liệu nào ghi lại năm xây dựng, những hạng mục kiến trúc hiện còn mang đậm dấu ấn của thế kỷ XX. Minh văn trên quả chuông có tên “Long Đọi tự chung” (chuông chùa Long Đọi) có niên đại Thiệu Trị thứ 4 (1844) cho biết cũng là năm trùng tu di tích. Dòng ghi niên đại trên nóc toà Tiền đường vào năm Bảo Đại Quý Mùi (1943) xác định chùa lại được trùng tu lớn vào cuối thời Nguyễn. Hiện nay, di tích còn lưu được một số pho tượng cổ có giá trị, trong đó có pho tượng A Di Đà, cao 1,5m, tạc theo phong cách tượng thế kỷ XVIII. Nếu căn cứ vào pho tượng được thờ ở đây, có thể đoán định rằng, ít nhất chùa cũng được xây dựng từ thế kỷ XVIII. Ở lĩnh vực kiến trúc, mặt bằng của chùa gồm có khu chùa chính, Nhà Mẫu, nhà khách, tháp mộ… Chùa chính có kết cấu hình chữ đinh gồm Tiền đường và Thượng điện. Có thể khẳng định rằng, chùa Bắc Cầu 2 là một di tích có giá trị về nhiều mặt, đặc biệt là hệ thống di vật và tượng thờ có niên đại vào thế kỷ XVIII – XIX. Ngoài chức năng thờ Phật như bao ngôi chùa trên đất nước Việt và nhu cầu văn hóa tín ngưỡng tâm linh, di tích chùa Bắc Cầu 2 còn mang ý nghĩa và giá trị của một di tích cách mạng. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, những năm 1950 – 1954, chùa là cơ sở nuôi giấu cán bộ vùng địch hậu.
  • Chùa Bắc Cầu 3 có tên chữ là: "Thuận Lợi tự" (chùa Thuận Lợi). Xa xưa chùa còn có tên gọi khác là chùa Đông Cầu Trung, hiện thuộc xóm 3, thôn Bắc Cầu, xã Ngọc Thụy, huyện Gia Lâm, nay là tổ 35, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, thành phố Hà Nội. Trước năm 1945, đây nguyên là đất các thôn: Bắc Biên, Bắc Cầu, Gia Quất, Gia Thượng thuộc xã Đông Ngàn, tổng Hội Phụ, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Chùa Bắc Cầu là một di tích được khởi dựng từ rất sớm để thờ Phật. Trên quả chuông "Thuận Tự hồng chung" đúc năm Chính Hoà thứ 9 (1690) đã ca ngợi cảnh đẹp và địa thế của ngôi chùa: "Chùa ta địa hình đẹp đẽ, cảnh vật rực rỡ, tốt tươi. Đế trạch đối diện đằng trước, đất Chúa trú ngụ vạn xóm thôn, Thiên Đức uốn khúc mé sau, thuyền bè đưa chở người qua bến. Bên trái nối Long cung tráng lệ, bên phải liền Hổ huyệt cao vời. Quả đúng nơi cửa thiền đệ nhất chốn Kinh Bắc..". Nhìn chung, toàn bộ hệ thống tượng Phật của chùa Bắc Cầu 3 đều được tạo tác muộn, song mỗi pho tượng vẫn toát lên những nét đẹp của nghệ thuật tạc tượng truyền thống với những nét chạm khéo léo, tinh tế như tượng Tam thế, tượng A Di Đà, tượng Quan âm Chuẩn Đề, tượng Di Lặc... Cùng với các pho tượng tròn, hệ thống di vật của chùa cũng rất phong phú như: chuông đồng đúc năm Chính Hòa thứ 9 (1690), bia đá niên đại thời Nguyễn cùng toàn bộ hoành phi, câu đối, cửa võng, hương án đều được sơn son thếp vàng lộng lẫy là những tư liệu rất có giá trị trong việc tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, vị thế, cảnh quan cũng như những lần trùng tu, sửa chữa của ngôi chùa trong suốt quá trình tồn tại và phát triển của lịch sử.
  • Chùa Bồ Đề tọa lạc trên một bãi bồi ven sông Hồng ở ngoài đê bên bờ Bắc phía hạ lưu, gần chân cầu Chương Dương, trước kia thuộc địa bàn thôn Phú Viên, xã Bồ Đề, huyện Gia Lâm, nay thuộc tổ 2, phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội. Xung quanh chùa có rất nhiều di tích khác như đền Ghềnh, đền Chầu, chùa Lâm Du, chùa Ái Mộ. Chùa Bồ Đề có tên chữ là “Thiên Sơn Tự” hay “Thiên Cổ tự” là một ngôi chùa cổ có lịch sử xây dựng lâu đời. Theo truyền tích ở địa phương, tên nôm của chùa là Bồ Đề đã xuất hiện từ thời Lý, bởi nơi đây có 2 cây Bồ đề lớn đối xứng qua sông Hồng là tháp Báo Thiên ở Kinh thành Thăng Long. Cũng theo sử sách chép lại, khi bao vây quân Minh ở thành Đông Quan, Lê Lợi và Nguyễn Trãi đã đặt đại bản doanh ở địa điểm có tên là Bồ Đề, việc có phải là Bồ Đề ngày nay hay ở nơi khác còn cần được nghiên cứu thêm. Có một thời gian, ở Bồ Đề lập thành một Trạm dịch nghỉ, có bến đò, là một cảnh đẹp của Thăng Long… Chùa Bồ Đề thời Phật, cúng Mẫu theo giáo phái Đại thừa cũng giống như đại đa số các chùa làng của miền Bắc nước ta. Căn cứ vào một tấm bia đá cổ của chùa hiện còn giữ được khắc năm Hoằng Định thứ 15 (1614), có thể nói, chùa Bồ Đề ra đời sớm hơn thời điểm này, ít nhất cũng từ thế kỷ XVI để đến đầu thế kỷ XVII có sự trùng tu sửa chữa lại chùa như nội dung bia đã phản ánh. Nội dung bia đá có ghi khá nhiều tư liệu quý góp phần tìm hiểu niên đại cũng như quy mô của ngôi chùa trong lịch sử. Trong bia có nhắc đến cung Bồ Đề: “Đế kinh ư thử đô hội” (tức là Đế Kinh tại triều hội ở chỗ này). Bài văn bia còn miêu tả cảnh sầm uất, trù phú của làng xóm quanh chùa, kể lại quá trình hưng công, tu bổ chùa, ca ngợi ý nghĩa của việc sửa chữa, cũng có miêu tả quy mô chùa sau lần trùng tu. Chùa Bồ Đề luôn được chọn là một trụ sở đào tạo, học hành của Thành hội Phật giáo Hà Nội. Chùa là Trung tâm sinh hoạt của Hội Phật giáo và học tập nhiều năm qua. Quang cảnh chùa rất thoáng, mát, rộng đẹp. Chùa Bồ Đề ra đời, tồn tại đã có sự gắn bó chặt chẽ với lịch sử truyền thống của kinh đô Thăng LongĐông Đô – Hà Nội, là nơi ghi nhận quá trình xây dựng, phát triển của lịch sử địa phương, các cổ vật trong chùa rất có giá trị. Chùa Bồ Đề đã và đang trở thành một di tích lịch sử văn hóa đẹp trong quần thể các di tích của quận Long Biên.
  • Chùa Gia Quất là tên gọi theo địa danh của thôn, tên cho là "Sùng Phúc tự" (chùa Sùng Phúc). Chùa hiện nay thuộc tổ 5, phường Thượng Thanh, quận Long Biên, thành phố Hà Nội. Gia Quất là một trong 4 thôn của xã Thượng Thanh, huyện Gia Lâm trước đây gồm: Đức Giang, Gia Quất, Hoà Bình, Thanh Am và Thượng Cát. Nguyên là đất các xã Gia Quất và Thượng Cát, tổng Gia Thụy và xã Thanh Am, tổng Đằng Xá, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh trước năm 1945. Phía tây – bắc là sông Đuống, bên kia sông là xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, phía đông và đông – bắc giáp phường Việt Hưng, tây – nam giáp phường Ngọc Thụy. Phường Thượng Thanh nằm dọc theo bờ nam sông Đuống từ cầu Đuống đến bến phà Đông Trù. Gia Quất – Thượng Thanh vốn là một vùng đất cổ, có bề dày lịch sử hình thành và phát triển hàng nghìn năm. Dấu ấn lịch sử còn lưu lại trên mảnh đất này được minh chứng bằng truyền thống văn hóa của nhân dân địa phương và những di tích lịch sử văn hóa đình, đền, chùa cùng với nghi lễ phụng thờ các vị phúc Thần có công dẹp giặc ngoại xâm thời vua Hùng dựng nước. Đó là ba vị Thần: Cao Sơn, Minh Triết, Minh Trụ Đại vương. Căn cứ nguồn tư liệu thành văn hiện còn lưu tại di tích như Bài minh khắc trên bia trụ, chuông đồng có thể đoán định niên đại khởi dựng ngôi chùa khoảng cuối thời Lê để đáp ứng nhu cầu tâm linh thờ Phật của người dân địa phương. Chùa Gia Quất (Sùng Phúc) hiện nay được chính quyền và nhân dân địa phương luôn quan tâm gìn giữ, bảo quản, thường xuyên tu bổ, tôn tạo ngày một khang trang, sạch đẹp. Chùa là trung tâm sinh hoạt văn hóa tâm linh của một cộng đồng dân cư, là vốn cổ quý giá cần được trân trọng, gìn giữ và phát huy giá trị.
  • Chùa Hội Xá là một công trình kiến trúc tôn giáo trong cụm di tích lịch sử văn hóa làng Hội Xá, nay thuộc tổ 1, phường Phúc Lợi, quận Long Biên, Hà Nội. Chùa Hội Xá có tên gọi khác là Linh Tiên tự. Chùa có tên chữ là Linh Tiên tự (chùa Linh Tiên) được xây dựng trong quy hoạch chung về kiến trúc truyền thống của làng. Ngày nay, các tư liệu ghi chép về niên đại ra đời của chùa tuy không còn song qua hệ thống văn bia có niên đại từ thời Lê (1773) đến Nguyễn hiện còn được lưu giữ tại chùa và những pho tượng tròn tại Tòa Tam bảo, có thể coi chùa Linh Tiên là kiến trúc cổ có niên đại khoảng thế kỷ XVIII. Chùa được quy hoạch trên một khu đất rộng, thoáng mát, quay hướng Tây, các công trình kiến trúc của chùa gồm: Tiền đường, Thượng điện, Nhà Mẫu và khu vườn tháp mộ của các nhà sư trụ trì ở chùa đã viên tịch. Chùa Hội Xá còn lưu giữ một bộ sưu tập di vật quý. Đầu tiên phải kể đến 12 tấm bia đá, trong đó, có 3 tấm bia có niên đại triều Lê, 1 tấm bia niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 34 (1773), 1 bia niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 46 (1785), nội dung bia ghi việc gửi giỗ. Những tấm bia còn lại thuộc triều Nguyễn, gồm: 1 bia niên hiệu Minh Mạng thứ 20 (1839), 1 bia niên hiệu Thiệu Trị thứ 4 (1844), 2 bia niên hiệu Tự Đức thứ 22 (1869), 1 bia niên hiệu Đồng Khánh năm Ất Dậu (1885), 1 bia niên hiệu Duy Tân (1916), 3 bia niên hiệu Bảo Đại (1921, 1932, 1935). Trong chùa còn có 30 pho tượng lớn nhỏ, trong đó, tượng Phật có 19 pho, 2 pho tượng Hậu, 9 pho tượng Mẫu (tượng cô, tượng cậu). Trong số 30 pho tượng này, có 8 pho tượng mang giá trị nghệ thuật điêu khắc của thế kỷ XVIII. Đặc biệt là 3 pho Tam thế Thường trụ diệu pháp thân ngự trên tòa sen. Cũng như mọi ngôi chùa khác trong vùng, chùa Hội Xá đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân trong làng. Trước hết, chùa Hội Xá đã đem lại sự an lạc về tinh thần và góp phần tạo nên truyền thống văn hóa tốt đẹp cho cộng đồng làng xã. Một trong những hoạt động tiêu biểu của chùa là lễ hội. Lễ hội hàng năm của cụm di tích đình, chùa diễn ra từ ngày 9 đến ngày 15/2 âm lịch. Hình thức tổ chức: Sáng mùng 8 làm lễ mộc dục, chiều mùng 9 làm lễ nước nước, mùng 10 rước cỗ chay oản quả, tiếp tục các ngày sau là tế lễ, tổ chức các trò chơi truyền thống như: đánh cờ, diễn lại trò chơi câu cá, biểu diễn văn nghệ, ca hát. Có thể nói, chùa Hội Xá với những hiện vật phong phú, đặc biệt là bộ tượng Tam thế Phật thật sự là một di sản văn hóa quý giá của Thủ đô Hà Nội và cả nước.
  • Chùa Lâm Du nằm trên đất trải dài với trung tâm bờ bắc là huyện Gia Lâm, quận Long Biên, bờ nam là quận Hoàn Kiếm, Ba Đình với 36 phố phường. Xã Bồ Đề trước đây (nay là phường Bồ Đề) bên bờ bắc (đối xứng với Chương Dương độ, Hàm Tử quan) thuộc huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội, nay là quận Long Biên, có nhiều di tích tôn giáo tín ngưỡng, trong đó có chùa Lâm Du được xây dựng sớm, liên quan đến lịch sử hình thành phát triển các làng cổ. Chùa hiện nay ở tổ 24, phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội. Hệ thống tài liệu hiện vật gồm văn bia, chuông đồng, khánh đồng, tượng Phật và các tác phẩm chạm khắc gỗ phản ánh quá trình tồn tại phát triển của ngôi chùa. Sưu tập 18 bia đá có niên hiệu từ Cảnh Hưng (1776) đến Duy Tân thứ 9 (1917) cho biết, chùa có tên chữ là “Nguyệt Quang tự” và đã được trùng tu lớn từ năm 1773. Như vậy khẳng định chùa Lâm Du đã hình thành trên 3 thế kỷ và được tu bổ tôn tạo nhiều lần vào các năm 1773, 1842, 1873, 1878, 1893. Bia “Nguyệt Quang tự công đức tông ký” có nội dung như sau: “Tháng 6 năm Quý Ty 1893 bỗng sóng biển trào dâng, nước sông tràn ngập, tường vững vàng nay đổ, nền cao nay sụt thấp, không chỉ những người ở quan tâm mà người đi đường cũng phải thở than. Sau cùng bản xã một lòng vào tháng 8 năm ấy bèn khởi công xây 5 gian Thượng điện, 7 gian Tiền đường, 3 gian Tam quan, 7 gian Nhà Tổ, 2 dẫy hành lang, cộng là 16 gian. Nhà ở, bếp núc cộng là 15 gian, lại tô hơn 30 pho tượng Phật, trồng 2 mẫu lũy tre. Đến tháng 8 năm Đinh Dậu công đã mãn, phúc đã thành”. Như vậy trong 18 bia có tới 5 tấm bia ghi việc trùng tu sửa chữa lớn nhỏ khác nhau qua các triều đại từ thời Lê (1773) đến năm Thiệu Trị (1842). Chùa Lâm Du đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa năm 2002.
  • Chùa Lệ Mật có tên chữ là Cổ Giao tự. Tương truyền, ngôi chùa được dựng lên từ thời Lý. Tuy nhiên, nhiều khả năng là niên đại của chùa có liên hệ mật thiết với niên đại của chiếc cổng tam quan hiện đang ngự trước sân đình, được xây vào thời kỳ cuối Lê, đầu Nguyễn, tức là thế kỷ 18, 19. Nhìn vẻ hoành tráng của cổng tam quan này, có thể đoán định rằng, trước kia, chùa Lệ Mật đã từng được xây dựng to lớn bề thế, có như vậy, tầm cỡ của nó mới tương xứng với chiếc cổng. Sau khi chùa Lệ Mật bị di dời lùi xuống, nhường chỗ cho việc dựng đình, thì ngôi chùa bị hỏng hướng (nói theo ngôn ngữ dân gian là bị “mất hướng”). Điều đó cho phép đoán định là chùa bị di dời vào thời điểm “Nho thịnh, Phật suy”. Chùa phải nhường chỗ cho đình, chứng tỏ Phật giáo tại địa phương này cũng chỉ giữ vai trò khiêm nhường bên cạnh vị thành hoàng làng. Cũng còn một cách lý giải khác, là vì chùa là chùa của riêng làng Lệ Mật, còn đình là nơi phụng thờ thành hoàng của Thập tam trại, nên phải xây to hơn, và thực tế là các khoản kinh phí đóng góp hàng năm dành cho đình lớn hơn rất nhiều so với chùa. Chùa Lệ Mật đã qua nhiều đợt tu sửa, song vết tích những lần tu sửa cho thấy, đây chỉ là những vá víu mang tính tạm thời, không có quy hoạch, không được đầu tư một cách cẩn thận. Ngay cả mặt bằng tổng thể ngôi chùa hiện cũng bị cắt xén, không được vuông vắn. Là những thiết chế văn hóa được dựng lên do nhu cầu thực hành các nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng dân gian, mặc dù đã trải qua nhiều thăng trầm, nhưng đình, chùa Lệ Mật không những tiếp tục gắn bó với đời sống tâm linh của người dân nơi đây, mà sự hiện diện của chúng còn là những dấu ấn đậm nét, lưu giữ bản sắc văn hóa truyền thống, tạo những cảnh quan đặc sắc của làng quê Việt Nam xưa.
  • Chùa Mai Phúc còn có tên chữ "Minh Tông Tự", nghĩa là chùa Minh Tông, nằm cách trung tâm thành phố 10km về phía Đông – Bắc, xã Gia Thụy, nay là tổ 5, phường Phúc Đồng, quận Long Biên, thành phố Hà Nội. Chùa được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa – kiến trúc nghệ thuật năm 1992. Chùa Mai Phúc tọa lạc trên vùng đất cổ, gọi là Mai Động Trang, đời Hồng Đức (Lê Anh Tông) được cải tên là Mai Phúc. Đến thời Nguyễn, thôn Mai Phúc được gọi là xã Hàm Nhất, thuộc tổng Gia Thụy, huyện Gia Lâm, phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Thời Lê gọi là trấn Kinh Bắc. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Mai Phúc thuộc quận 8, thành phố Hà Nội. Đến năm 1961, là thôn của xã Gia Thụy, ngoại thành Hà Nội. Đến năm 2003, Mai Phúc thuộc phường Phúc Đồng, quận Long Biên, nội thành Hà Nội. Chùa Mai Phúc tọa lạc trong một khu đất rộng, thoáng đãng, có ao trước cổng nằm trước sân chùa, có những cây cổ thụ bao bọc xung quanh. Căn cứ vào tấm bia “Minh Tông tự bi ký” niên hiệu Vĩnh Trị thứ 4 (1679) do Thiên thư Hải đường Đặng kinh Tiểu sinh Trần Đặng Tướng soạn, hiện còn lưu giữ cho biết, nhà sư trụ trì chùa tên là Nguyễn Thị Kim Thịnh, tự Pháp Thịnh đã xây dựng chùa cùng với nhân dân địa phương. Như thế, có thể đoán định chùa Mai Phúc được dựng vào thế kỷ XVII. Do nhiều biến động lịch sử, đặc biệt là do chiến tranh, nên ngôi chùa cũ không còn nữa. Diện mạo kiến trúc hiện nay của chùa có niên đại vào khoảng thế ký XIX, nhiều hạng mục được trùng tu ở thế kỷ thứ XX. Mặc dù vậy, chùa Mai Phúc vẫn được xem là một ngôi chùa khang trang trong những ngôi chùa ở quận Long Biên ngày nay. Chùa đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận xếp hạng di tích lịch sử văn hóa – kiến trúc nghệ thuật năm 1992.

Liên quan